BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Bà nội - Nữ sĩ Ngân Giang

Tôi là một người thường sống vì bạn bè, vì mọi người. Mẹ và mẹ nuôi tôi đều nói như vậy với tôi. Mà tôi thấy cũng đúng. Chính vì vậy mà Blast của tôi tôi đã chọn câu thơ mà tôi cảm thấy thích nhất. Tác giả 2 câu thơ đó là bà nội tôi - Nữ thi sĩ Ngân Giang. Hầu hết mỗi người đều có những kỷ niệm đáng nhớ với những người nào đó trong đời mình. Đối với bà nội, tôi cũng có một số kỷ niệm với bà. Hôm nay tôi muốn viết ra bài này mục đích nhằm để lưu giữ những kỷ niệm đó.

Bà nội, niềm tự hào của anh em họ hàng bên nội nhà tôi. Mỗi khi ngồi trò chuyện với các anh em họ bên nội, chúng tôi vẫn thường hay nhắc đến bà. Trong những người anh em họ thì mọi người đều biết đến bà từ khi còn bé. Chỉ có tôi là ít được gặp bà nhất, cả đời tôi chỉ mới gặp được bà có 1 lần duy nhất. Do trước đây bố tôi lưu lạc vào Nam sống, trong khi gia đình gốc gác là người Hà Nội. Vì vậy cho đến năm 12 tuổi tới mới bắt đầu gặp bà lần đầu tiên. Lúc đó là dịp bà vào Sài Gòn để tham dự buổi mừng thượng thọ bát tuần của bà do hội văn nghệ tổ chức tại nhà văn hóa thanh niên. Tôi gặp bà lần đầu khi bà về Bến Tre chơi trước khi ngày mừng thọ của bà được tổ chức. Lúc này cũng là lúc gia đình tôi phá sản ở Bến Tre. Nên sau đó bố tôi và tôi lên Sài Gòn và gặp lại bà. Tuy chỉ một lần gặp nhưng bà lại rất quý tôi và tôi cũng mến phục bà qua những gì bà thể hiện.

Trước khi gặp bà tôi chỉ biết bà qua những gì mà em họ hàng, cô dì chú bác nhà tôi nói. Mọi người đều rất sợ bà. Mọi người đều bảo bà rất khó tính. Ăn nói, đi đứng không đàng hoàng, dọn cơm cũng phải bày biện đúng cách, những món như thế nào thì đặt ở đâu, trong một bữa cơm thì tối thiểu phải có món gì... sơ sẩy tí là chết với bà. Thế mà những lần tôi gặp bà thì ấn tượng của tôi đối với bà đều ngược lại. Bà tóc bạc phơ, trông bà rất đẹp lão, hiền hậu và đức độ.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp bà ở Bến Tre tôi đã khóc nức nở vì bài thơ mà bà tặng cho tôi xúc động quá. Bài thơ nói về tâm trạng và suy nghĩ một con chim mẹ trước khi chết khi đi tìm thức ăn cho con, giữa đường bị những kẻ đi săn bắn trúng. Đến giờ tôi vẫn rất thích bài đó. Nhưng gia đình di chuyển nhiều nơi tôi đã làm mất bài thơ đó, tôi rất tiếc. Có lẽ sau này tôi sẽ lục trong đống thơ đồ sộ của bà để tìm bài đó và đăng lên đây.

Lần thứ 2 tôi gặp bà tôi lại khóc, đó là lần tôi và bà cùng ngồi xem tivi. Tôi nhìn thấy cảnh một con rùa biển to bị người ta bắt lên và cầm tay nó lấy dao cắt một cách vô tình.

Cũng chính vì thế mà bà quý tôi, bà bảo tôi "thằng này sống rất nhân đạo". Đức tính đó một phần cũng vì bố tôi đã dạy dỗ từ nhỏ. Từ bé đến giờ, ngay cả con kiến tôi cũng không giết. Tôi vẫn còn nhớ có lần nhà tôi có một tổ kiến, thường thì mọi người có thể xịt thuốc hay dùng cái gì đó để đuổi bọn kiến đi. Nhưng bố tôi lại còn lấy đường trong nhà mang ra đặt trước tổ kiến.

Khi bà mất, tôi cũng không có dịp dự đám tang của bà. Gia đình tôi vì quá nghèo nên chỉ duy nhất mình bố tôi ra Hà Nội dự. Tiền trong gia đình lúc đó tích góp chỉ đủ một vé tàu cho bố tôi. Đây cũng là một điều mà tôi cảm thấy rất tiếc.

Bà đã đóng góp khá lớn cho nền thơ ca Việt Nam và nằm trong danh sách của tập thơ 20 nữ thi sĩ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, thời buổi bây giờ còn được bao người quan tâm đến thơ và yêu thơ. Chính vì vậy cho nên cũng chẳng mấy ai biết đến bà. Thơ của bà thì không được giảng dạy ở phổ thông nên không được nhiều người biết đến như các nhà thơ khác. Thờ bà chỉ được dạy trên giảng đường đại học. Có lần bà tôi nói đùa rằng: "Bà phải chịu trách nhiệm về cái chết của thi sĩ Đông Hồ". Bởi vì thi sĩ Đông Hồ đã mất một cách bất ngờ khi đang bình phẩm bài thơ "Trưng Nữ Vương" của bà ngay trên giảng đường đại học. Bà tôi kể, chắc có lẽ mọi người không tin là khi còn trong bụng mẹ bà đã nằm mơ nhìn thấy 2 chữ "quý nhân". Sau khi sinh ra, 4 tuổi bà đã biết làm thơ và được đăng trên các tờ báo Pháp thời đó, lúc này bà được mệnh danh là "Nữ sĩ tí hon". Dưới đây là một bài viết về bà trong chuyên mục "Người nổi tiếng" của danangpt.vnn.vn. Ngoài ra nếu các bạn yêu thơ có thể vào Google Search từ khóa "Nữ sĩ" "Ngân Giang" sẽ có thêm nhiều thông tin về bà.










Nữ sĩ Ngân Giang

"Một lần, khi đi qua giữa cầu Long Biên thì trời đất bỗng tối sầm, rồi xuất hiện một vầng hào quang rực rỡ giữa lòng sông Hồng. Từ đó, vút lên một con rồng vàng, uốn lượn quanh tôi hai vòng và bay lên trời xanh, biến vào dải Ngân Hà. Tôi lấy bút danh Ngân Giang từ đó", nữ sĩ nổi danh này tâm sự.Bà tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học. Bà kể: "Năm lên 6 tuổi, theo người bác ra sân ga, nhìn những con tàu ra vào ga, buồn quá tôi bỗng thốt lên: Tàu về, rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga. Lúc ấy, tôi không tài nào hiểu được vì sao bác tôi lại nắm lấy đôi vai nhỏ bé của tôi nhìn rất lâu, rồi lắc đầu bảo: Sau này cháu tôi lại khổ thôi". Từ đó, ông bác dành nhiều thời gian để dạy cháu mình làm thơ, phú, dịch Đường thi.

Năm 8 tuổi, bà đăng bài thơ đầu tiên Vịnh Kiều với bút danh Nguyệt Quyên. Đọc sách Phật thấy mình mắc nhiều tội lỗi quá nên bà quyết định quyên sinh. Rất may là người nhà kịp thời phát hiện và cứu chữa. Năm đó, bà mới 9 tuổi.

Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên Giọt lệ xuân tại Nhà xuất bản Tân Dân. Tài thơ phú bẩm sinh, xinh đẹp, hoạ hay, đàn giỏi, lại thêu thùa rất khéo nên bà là niềm mơ ước của bao tài danh xứ Bắc Hà. Hiểu rõ con gái mình, ông đồ nho Đỗ Hữu Tài muốn cho con yên bề gia thất sớm. Không chịu sự sắp đặt của cha, bà cố tình bỏ trốn nhưng không được. Nhưng rồi tổ ấm không giữ nổi con tim sôi nổi, ưa hoạt động của bà. Năm 21 tuổi, nữ sĩ cho xuất bản cuốn Duyên văn và dời Hà Nội vào Sài Gòn viết cho Điện Tín nhật báo và Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà. 4 năm sau, tập thơ Tiếng vọng sông Ngân ra đời đã đưa bà lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Ngân Giang hăng hái đeo ba lô, bồng con nhỏ lên đường. Hai năm sau đó quay về nội thành, không nơi nương tựa, thân gái bơ vơ, bà đã chọn con trai tuần phủ Hà Đông để lấy.

Cách mạng thành công, Ngân Giang bắt đầu rơi vào quên lãng. Ở tuổi 41, bà bị buộc rời khỏi Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội. Bà nói: "Ra khỏi biên chế nhà nước bấy giờ là chuyện kinh khủng. Biết làm gì để nuôi sống gần chục đứa con đây. Chết không được đành sống". Ngày ngày, bà ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán. Tối về rửa bát thuê. Làm quần quật như vậy nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho những đứa con lay lắt sống qua ngày.

Bạn bè, người yêu thơ Ngân Giang đến thăm bà không ai cầm nổi nước mắt. Rồi bà được nhận vào HTX thêu ren. "Một bận người ta phát động chống tiêu cực, tôi mạnh dạn vạch mặt kẻ tham ô, nào ngờ tham ô thì không chết mà mình bị đuổi việc", bà kể. Không đủ sức để ra bờ sông quét lá nữa, bà đành ra đầu đường mở quán bán hàng nước. Tới giờ, thơ văn của bà mới lại được nhắc tới và trân trọng trở lại. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy, bất chấp những bất hạnh chồng chất và thiếu thốn áo cơm.

(theo Nông thôn Ngày nay)