Kể từ đó, anh bạn này bắt đầu đi tìm hiểu về đạo Phật. Tôi biết được tôi đã kể cho cậu ấy vì cách đây 4 - 5 năm gì đó cậu ấy bỗng gọi tôi trên Yahoo hỏi thăm và muốn gặp tôi. Cậu ấy bảo rằng tôi và cậu ấy đã lâu không gặp nhau kể từ lúc tôi kể câu chuyện này.
Lúc đó, tôi đã đồng ý sắp xếp thời gian để gặp. Tôi nhớ thời gian ấy anh ta vẫn chưa thật sự ngộ đạo và có kiến thức về Phật giáo nhiều. Tuy nhiên, cách đây một tháng hơn khi gặp lại thì cậu ấy đã gặt hái được rất nhiều, thậm chí về kiến thức Phật giáo bây giờ có thể nói là hơn tôi nhiều.
Đêm nay, tôi khó ngủ và bỗng dưng lại muốn viết ra câu chuyện này. Câu chuyện như sau:
Một vị sư chỉ vào chiếc lá đang rơi và hỏi chú tiểu:
- Con thấy gì?
- Con thấy chiếc lá đang rơi.
Vị sư lắc đầu và bảo:
- Không phải. Mà là tâm con đang động.
Khi tôi biết đến câu chuyện này và thấy rằng: Đúng như vậy! Bạn có thể thấy đúng hay không đó là vấn đề của bạn. Nhưng tôi thấy đúng. Sở dĩ chúng ta cho rằng chiếc lá đang rơi trong trường hợp đó vì:
1. Chúng ta đang định hình và định danh ra một chiếc lá, cành cây hay cái cây.
2. Chúng ta đang định hình và định danh việc chiếc lá rời cành và hướng xuống đất tức là đang rơi.
Hay nếu nó hướng lên trên thì chúng ta sẽ gọi là chiếc lá đang bay hoặc chiếc lá bị gió thổi, và còn nhiều thứ khác...
Có một lần tôi tình cờ thấy ở nhà mình có một tờ báo Giác Ngộ, tôi thấy nó nhiều lần nhưng không đọc. Có một lần do cái duyên nào đó tự dưng tôi cầm lên đọc, tôi không đọc hết mà chỉ đọc vài bài trong đó. Trong đó có một bài mà tôi không rõ là bài nào, cũng chẳng nhớ tiêu đề của nó. Chỉ nhớ một câu mà tôi rút ra được và nhớ mãi đại khái như sau:
Con người ta tự đặt ra (định danh) hàng loạt những danh từ rồi cố học nó.
Đôi khi chúng ta bị chi phối bởi danh từ, những định danh quá nhiều mà không thấy được bản chất của vấn đề. Hay điển hình như một cuộc tranh luận, trao đổi đôi khi có sự hiểu nhầm lẫn nhau cũng chỉ vì thế. Cũng chỉ vì những định danh mà không chịu suy xét nhiều yếu tố khác.
Quay lại câu chuyện trên, bản thân chiếc lá nó không tự gọi nó là chiếc lá. Mà là chúng ta đã gọi nó là chiếc lá. Nó chỉ đơn thuần có hình thù nào đó, hay có tướng, có sắc nào đó. Những tướng và sắc này do cái tâm động mà ra, cái tâm động đã phân biệt ra. Nó phân biệt nhờ vào phương tiện nhận biết là con mắt của chúng ta, rồi qua dây thần kinh xử lý... Giả sử như người mù thì trước cảnh đó họ thấy gì? Người điếc thì cũng thường là câm và họ sẽ định danh nó thế nào?
Nói ở đây không phải tôi hướng các bạn đến việc cứ ví mình như người mù, người điếc mà là hãy nhìn vào cái bản chất, cái căn nguyên của mọi thứ để thấy được vạn vật, mọi thứ xung quanh ở nhiều khía cạnh. Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng thấy được ngay. Bởi thế mới cần rèn luyện, quá trình đó gọi là tu. Tu ở đây như cái tu theo quan điểm mà tôi từng nói trong bài Tôi đang ăn chay.
Nói tới cái tâm động tôi lại nhớ tới câu mà mọi người hay trích, nhất là trên các mạng xã hội hay ở nhiều bài viết khác là: Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Câu này xuất phát từ bài:
Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống...
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Rồi lại có nhiều người nói những câu như: Giữ cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Hay: Đang rèn luyện để đạt được tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đại khái như vậy.
Theo tôi thì nói như vậy tức là đang hiểu sai câu gốc Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Bởi vì nếu bạn đang cho rằng tâm mình đang biến và rèn luyện để nó thành bất biến, như vậy tức là tâm bạn đã biến. Nó biến từ cái mà bạn đang cho rằng đang biến thành bất biến. Cái tâm của bạn khi mới sinh ra là bất biến hay biến? Rồi vì cái biến của dòng đời mà nó thay đổi. Cho dù thế nào thì cái tâm thay có thay đổi tức là cái tâm biến.
Theo tôi thì hiểu rằng, bản chất là cái tâm của bạn nó vốn bất biến, và luôn là như thế. Bất biến mà tôi nói ở đây với cái nhìn tuyệt đối. Và cái dòng đời thì vạn biến, sự vạn biến đó xuất phát từ cái tâm động. Bản thân cái tâm động đó cũng chính là cái tâm bất biến.
Tôi lấy một ví dụ cho dễ hiểu, như một vật di chuyển với vận tốc thay đổi nhưng gia tốc không thay đổi, thì có thể nói sự thay đổi vận tốc đó mang tính bất biến.
Hay như chiếc lá lìa cành thì rơi xuống đất, cái quy luật đó là bất biến nhưng chỉ xét chiếc lá và cành cây thì là nó biến. Chiếc là không thể bứt ra khỏi cành mà bay vút lên trời được nếu không có gì tác động vào nó.
Có lẽ là bạn sẽ bối rối và khó hiểu với những gì ở trên, thực tế khi quán xét vạn vật hay ở đây đang quán xét cái tâm động và không động thì thực chất là nó còn vô biên, vô lượng. Tùy theo cái mà bạn ngộ ra được mà thấy nó như thế nào. Tâm động và tâm không động chỉ là hai trạng thái đối lập nhau. Ở một góc nhìn bên ngoài đó nữa thì cả hai loại thuộc cái động. Và cái để phân biệt được hai cái đối lập nhau đó chính là cái mà tôi tạm gọi là tĩnh tuyệt đối, tĩnh này khác với động, cũng khác với không động. Nó là cái để bạn thấy được cái động và cái không động.
Bởi vậy mà mới có câu:
Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc, không câu bất quản,
Phương đắc khế chân tông.
Dịch nghĩa:
Sắc là không, không tức là sắc,
Không là sắc, sắc tức là không.
Sắc, không đều chẳng vấn vương gì,
Thì mới khế hợp được với chân tông.
Là vậy!
Tôi không phải là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về các triết lý, hay là một người chuyên nghiên cứu về nó. Nhưng tôi vẫn luôn yêu thích và suy ngẫm mọi thứ mà tôi tiếp cận. Những gì tôi nói chưa hẳn là đúng, cũng có thể nói chẳng sai. Đơn giản tôi chỉ muốn cùng chia sẽ với những gì mà mình ngộ ra được cùng các bạn. Và cuối cùng chỉ là bạn thấy thế nào thôi.
Nếu các bạn ngộ ra được gì, hãy cùng chia sẽ với tôi. :)