Khi tôi đã bắt đầu có nhận thức về sự tồn tại của mình trong cuộc sống này, lần đầu tiên khi tôi nghe tin một người ra đi là khi tôi còn học lớp 4. Lúc đó có một thằng bạn trong lớp chỉ mới nhập học và quen được vài tháng thì sau vài ngày không đi học tôi nghe em nó báo là nó đã ra đi. Lần thứ hai là nghe tin em ruột của mợ tôi ra đi, cũng trong khoảng thời gian tôi học cấp 1 mà tôi không nhớ rõ cụ thể là thời gian nào. Cũng là những cảm giác bất ngờ, hụt hẫng và thiếu vắng của những sự ra đi vội vàng với những người mà tôi mới còn gặp cách đó vài ngày vẫn còn cười nói vui vẻ. Tuy nhiên, lúc đó có lẽ tôi vẫn còn quá bé để có nhiều cảm nhận. Hoặc cũng có thể vì mức độ chưa thân thiết lắm nên cảm xúc có lẽ cũng không nhiều. Hai lần kế tiếp là ông bà nội tôi, nhưng vì gia đình tôi sống xa ông bà nội, từ bé đến lớn chỉ gặp một hai lần và tôi cũng còn khá nhỏ để có nhiều cảm nhận.
Lần thứ năm là lần tôi nhận được tin một cô bạn từng là đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi cách đây vài năm, cô ấy đã ra đi một cách bất chợt chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi. Khi tôi nghe được tin đó thậm chí còn không tin vào tai mình và còn tưởng rằng bạn bè báo tin là đùa ác. Nhưng đó lại là sự thật...
Và bây giờ là cậu tôi. Thực tế thì cậu ra đi cũng không gây nhiều bất ngờ cho những người thân xung quanh. Thế nhưng cũng để lại cho tôi nhiều cảm giác. Ở lần này không có cảm giác hụt hẫng vì không có yếu tố bất ngờ mà chỉ là cảm giác của sự thiếu vắng và mất mát. Từ nay, những người trong họ hàng nhà tôi sẽ không còn thấy cậu như trước nữa.
Lần cuối cùng mà tôi gặp cậu là cách đây chưa đầy một tháng trong bệnh viện khi tôi được thằng em họ con trai cậu dẫn lên thăm cậu trong thời gian điều trị bệnh. Cũng giống như lần khi tôi đi thăm thằng bạn bị tai nạn giao thông cách đây không lâu, bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng quá tải và chật chội. Bệnh nhân và người thân ngồi nằm la liệt ở các hành lang.
Lúc đó cậu tôi trông khá yếu ớt và tiều tụy, xung quanh các bệnh nhân khác cũng không khá hơn mấy. Các bệnh nhân thì có vẻ như đang cố gắng duy trì sự sống của mình. Mặc dù họ trông rất yếu nhưng vẫn tỏ ra bình thường, có lẽ lả để muốn người nhà bớt lo lắng. Nhưng như thế vẫn không thể khuất lấp đi được sự lo lắng của những người thân xung quanh. Ở khu mà cậu tôi nằm bệnh chắc cũng là khu điều trị cho những bệnh nhân đang mang những căn bệnh nặng và khó chữa. Bởi vì phần lớn tôi thấy họ đều rất yếu ớt và chỉ còn da bọc xương. Khi ấy, xem ra cậu tôi cũng khá thân thiết với những bệnh nhân xung quanh. Chắc có lẽ vì thời gian nằm điều trị chung cũng tạo nên được mối quan hệ nào đó.
Ngày hôm qua, sau thời gian dài xa nhà ở bệnh viện, cậu tôi bảo nhớ nhà và muốn về nhà. Gia đình tôi cũng không biết làm gì hơn và đành đưa cậu về bởi vì lúc này các bác sĩ cũng đã cố gắng hết sức. Khi mẹ tôi và mợ tôi đưa cậu ra khỏi phòng bệnh viện thì cả phòng các bệnh nhân đều ngồi bật dậy và nhìn dõi theo. Một cảnh tượng đã khiến tôi cảm thấy thật sự xúc động. Đó có lẽ là những ánh mắt của sự luyến tiếc và lưu luyến một người bạn đã quen biết mấy tháng qua. Những ánh mắt dõi theo đó như một lời chào từ biệt và bất lực của những con người đang đứng trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết. Trong khi đó, những người vẫn còn sức cũng cố gắng gượng dậy xin theo xách phụ đồ và tiễn ông bạn mình ra xe. Gia đình tôi nói họ ở lại nghỉ ngơi nhưng họ nhất quyết không chịu. Lúc ấy, còn có một cậu thanh niên trẻ đang chăm sốc bố cậu ta cũng đang nằm điều trị cùng phòng còn xin cậu tôi địa chỉ nhà để khi nào có dịp ghé thăm. Trong tình cảnh như thế chúng ta mới thấy sức khỏe và cuộc sống nó quý giá như thế nào. Đó cũng là lúc mà tình yêu thương giữa con người với nhau được thể hiện và trân trọng nhiều hơn bình thường rất nhiều.
Ấy vậy mà hàng ngày chúng ta thường hay lãng quên những điều đó để lao vào vòng xoáy của cuộc sống mà chúng ta đang cho là hiện đại. Chúng ta thường hay để cái sĩ và cái tôi của mình quá cao để rồi cư xử không tốt với nhau, để rồi dẫn đến những mâu thuẫn. Hơi tí thì giận, hơi tí thì dỗi, hơi tí thì hãm hại, đả kích và chèn ép nhau... Để rồi khi về với đất trời mọi thứ đó đều trở nên vô nghĩa. Để rồi có những người hối tiếc vì nhiều điều mình chưa làm được cho người ra đi.
Gia đình tôi đã lên Sài Gòn sống cũng đã gần 20 năm, kể từ đó tôi cũng ít khi gặp cậu. Chỉ thỉnh thoảng mỗi năm gặp một vài lần khi về quê. Thế nhưng tuổi thơ của tôi thì với gia đình cậu rất gần gũi, nhà tôi và nhà cậu lúc đó ở sát bên chung một mảnh đất mà ông bà để lại. Giờ cậu đã vĩnh viễn ra đi, chỉ mong cậu được yên nghỉ nơi chín suối. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên mà mỗi người khó tránh khỏi. Nhưng là một người thân trong họ hàng, tôi cũng khó tránh khỏi những đau buồn và cảm giác mất mát. Nỗi đau này có lẽ còn nặng hơn nhiều đối với mợ tôi và hai đứa em vẫn còn đang ở tuổi ăn học.