Tôi đi theo dòng người đang đi và đến được phòng cấp cứu. Nhìn xung quanh các quầy thì chẳng thấy y tá hay bác sĩ nào ngồi, tôi chẳng biết hỏi ai cả. Trên bảng danh sách bệnh nhân thì chẳng thấy tên thằng bạn mình, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng loa "Mời người nhà bệnh nhân ABC đến phía sau phòng cấp cứu". Thấy thân nhân và người cấp cứu quá đông đúc tôi chẳng biết phải làm gì, hỏi ai và bắt đầu từ đâu.
Lúc đầu tôi nghe nói là chuyển lên bệnh viện Thủ Đức họ không nhận nên chuyển qua bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi nghĩ chắc là từ dưới đấy lên vẫn chưa đến, thôi ngồi chờ tí xem sao. Ngồi cũng không yên tôi ra ngoài cổng gọi cho thằng T thì nó bảo đang chạy lên, tôi thì bảo là chưa gặp được L và bảo để tôi tìm lại lần nữa xem sao.
Vào cổng ngồi ở hàng ghế chờ tôi thấy có chiếc taxi chạy vào và dừng xe khá lâu. Những anh bảo vệ tỏ vẻ khó chịu vì việc dừng xe khá lâu có thể làm cản trở xe cấp cứu ra vào. Sau một lúc thấy trong taxi bước ra một số người nhìn quen quen. Số là tôi với thằng bạn này chơi với nhau nhưng ít khi gặp gia đình nó vì gia đình nó ở tỉnh khác, chỉ có lần cách đây 7 năm hơn tôi có đến nhà nó chơi 1 lần. Sau đó thì đến lượt thằng bạn tôi bước ra. Nhìn thấy nó tôi đã an tâm phần nào nhưng cũng hơi kinh hãi khi nửa mặt nó đỏ lòm. Ở xa nên tôi cũng nhìn không rõ lắm.
Ngay khi thấy nó tôi đứng dậy và bước vội vàng đến, lúc chưa nhìn rõ tôi tưởng nó bị nát mặt rồi. Các y tá lúc này đã mang giường cứu thương tới nhưng thấy đám người đấy cứ đứng ỳ ra mà thằng bạn tôi thì vùng vằng không chịu lên giường cấp cứu. Khi bước đến gần còn khoảng tầm 5 bước chân thì tôi thấy người thân khuyên nó lên giường cấp cứu đi nhưng nó vẫn vùng vằng và đòi nói chuyện với ông taxi. Lúc ấy lộn xộn nên chẳng biết nó thế nào và nói chuyện gì. Tôi chỉ theo người nhà nó và bảo: "Thôi mày lên cho người ta cấp cứu đi L ơi".
Lúc này có một cậu thanh niên tuổi chừng đôi mươi quay lại nhìn tôi, thằng bạn tôi cũng ngoái lại nhìn và nhận ra tôi bảo: "Mày đứng im đó để tao nói chuyện". Nghe giọng điệu nó lúc này tôi biết nó đang say rồi, cậu thanh niên kia hỏi tôi:
- Anh là bạn anh L hả? Em là em của anh L.
- Ừ. Có chuyện gì vậy em?
- Ảnh không chịu lên giường cấp cứu.
Thằng em vừa nói vừa khóc, giọng nó nghẹn lại, chắc vì nó đang xót cho anh nó. Nhìn cảnh này tôi cũng động lòng nhưng tôi kịp thời kiềm lại để giữ bình tĩnh xử lý các vấn đề khi cần thiết. Trong tình huống vội vàng như vậy tôi cũng không biết làm gì vì người nhà nó cũng có đó, bao nhiêu người lôi kéo nó không được. Mặt khác tôi cũng không rõ nó bị gì và bị thương ở đâu, nếu hồ đồ và bộp chộp lôi kéo nó không khéo lại đụng vào chỗ đau. Tôi chỉ nhìn quanh xem có y tá bác sĩ nào ra giải quyết không vì họ là những người có kinh nghiệm.
Nó nói vài ba câu gì đó với ông taxi rồi quay qua tự động nằm lên giường cho mọi người đẩy xe vào. Lúc này thằng bạn tôi mới nhìn tôi và nói: "Tuấn Anh ơi tao sắp chết rồi mày im và nghe tao nói". Tôi thấy nó có vẻ kích động và mất bình tĩnh nên thôi cứ ừ ừ cho nó nói không khéo nó lại cứ la toáng lên chẳng làm được gì.
Và thế là từ lúc trên đường đẩy xe đi đến nơi chờ làm thủ tục đưa vào phòng cấp cứu thì nó cứ lải nhải nói chuyện với tôi như trăn trối. Hết đến tôi rồi lại đến thằng em nó rồi lại đến tôi dặn dò đủ thứ chuyện. Tôi chỉ biết ừ ừ để nó ngoan ngoãn nằm yên đấy chờ làm xong thủ tục cấp cứu. Những câu nói của nó tỏ ra rất thiếu bình tĩnh với tâm trạng một người nghĩ rằng mình sắp chết và đôi khi la hét vùng vằn. Các y tá phải lấy dây cột nó lại.
Trong cùng thời gian đấy cũng có một bệnh nhân khác cũng được đẩy vào và la hét cũng bị cột vào. Nạn nhân ấy tuông ra những lời lẽ tục tĩu và chửi bới như một tay anh chị với đầy máu me trên mũi và miệng. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến những cảnh máu me la hét điên loạn này nên cũng hơi choáng. Tôi suy nghĩ chắc những bệnh nhân này đang nghĩ rằng họ sắp chết nên mất bình tĩnh và lý trí. Tôi quay sang nhìn mặt mày thằng bạn sưng húp với những vết máu đang nói chuyện với em nó mà không khỏi đau lòng.
Cách đây vài hôm, tôi có đọc trên báo nói về cái chết của một người ăn nhậu thật bi thương và đau lòng cho những người thân. Và lúc này tôi mới tận mắt chứng kiến kết quả của việc ăn nhậu quá độ từ thằng bạn mình và những bệnh nhân xung quanh. Thật là khủng khiếp, đối với tôi tối hôm qua như một đêm kinh hoàng trong phim kinh dị với những bệnh nhân xung quanh với đủ loại, đặc biệt là tai nạn giao thông. Tôi tự nhủ rằng từ nay mình cần phải luôn ý thức việc kiềm chế và nhắc nhở bạn bè để khỏi phải ăn nhậu quá đà. Mạng sống của con người lúc này như trong gang tấc và quá mỏng manh.
Sau khi làm xong thủ tục thì tất cả người thân đều bị kêu ra ngoài. Lúc này mọi chuyện tạm lắng, tôi xin số điện thoại của thằng em bạn tôi và bảo có gì thì gọi tôi. Sau đấy tôi bỏ ra ngoài cổng và gọi cho thằng T xem nó đi đến đâu rồi và nó bảo khoảng 25 phút nữa mới đến nơi được do nó từ chỗ tai nạn chạy lên. Tôi gọi tiếp cho ông bạn đang nhậu ở Quận 3 và bảo: "Thằng L có vẻ bị nặng lắm ông qua đây đi". Sau đấy tôi đứng ngoài cổng chính chờ thằng T đến.
Tôi đứng ngoài cổng và hút thuốc, lúc này nhìn địa chỉ ở những ngôi nhà đối diện tối mới biết đây là đường Nguyễn Chí Thanh. Tôi nghĩ: "Trời, lúc nãy mình cứ đi thẳng thì đến rồi. Nhưng thôi kệ cũng không sao, dù gì cũng đã đến trước khi thằng bạn tôi đến". Vừa đứng chờ thằng T tôi vừa nghĩ lại những gì vừa xảy ra vừa rồi. Phải nói là bệnh viện có vẻ như quá tải, bác sĩ và y tá thì thưa thớt mà bệnh nhân thì nhiều. Nhìn xung quanh dày đặc những người thân của các bệnh nhân chờ đợi. Có quá nhiều bệnh nhân đang thập tử nhất sinh mà trước khi được cấp cứu phải chờ làm thủ tục. Lúc nãy làm thủ tục cho thằng bạn tôi chắc cũng mất 10 đến 15 phút. Chỉ 10 đến 15 phút đó cũng đủ để cướp đi một mạng người. Một cảm giác khó chịu trong tôi trước cảnh các bác sĩ và y tá có vẻ thờ ơ với người cần cấp cứu. Nhưng nghĩ lại cũng chẳng trách họ được, có lẽ là ban đêm nên lực lượng bác sĩ và y tá khá ít.
Trong tôi lúc này có khá nhiều thắc mắc. Lực lượng y tá bác sĩ thiếu thốn đến thế mà tại sao tôi từng có những người thân, bạn bè khi tốt nghiệp làm bác sĩ phải đi xin việc rất khó khăn! Một điều mà tôi lúc đấy không thể lý giải được.