Ngày hôm nay, tôi hay suy nghĩ có nên viết bài này hay không?! Bởi vì trước khi viết gì tôi thường hay suy nghĩ vấn đề mình viết có ảnh hưởng đến những vấn đề về thông tin mang tính cá nhân với những người liên quan hay không. Suy nghĩ mãi và tôi quyết định viết mục đích là để nhắc nhở bản thân về việc ăn nhậu. Một phần cũng muốn gửi đến các bạn những hậu quả của việc ăn nhậu quá đà. Tôi hi vọng rằng bằng những bài viết này sẽ giúp chút ít gì đó cho người đọc, đặc biệt là những người thường hay ăn nhậu. :D
Quay trở lại diễn biến của ngày hôm qua, khi tôi đang đứng ngoài cổng chờ T đến. Về vấn đề bác sĩ và y tá so với số lượng bệnh nhân là quá ít, ở bài trước tôi định không nói nhưng chắc có lẽ là nhiều người cũng biết nên tôi quyết định viết tiếp ở bài này. Thông tin này tôi cũng chỉ nghe lại mà không rõ cụ thể là thế nào. Có lần tôi từng nghe nói các bác sĩ, y tá mới ra trường nếu không quen biết hoặc không có những mối quan hệ tốt thì sẽ bị đẩy đi làm ở các tỉnh hay vùng sâu vùng xa. Nghĩ đến vấn đề này làm tôi càng cảm thấy bức xúc hơn.
Kể từ lúc các y tá bảo người thân ra khỏi phòng làm thủ tục cấp cứu và tôi ra ngoài cổng. Những tiếng kêu la của thằng bạn tôi lại tiếp tục. Những âm thanh của tiếng kim loại đập vào sàn gạch chan chát. Nó hét lớn đến nỗi mà tôi đứng ngoài cổng còn nghe rõ mồn một. Tôi đoán chắc nó đang giãy giụa trên giường cấp cứu và phản đối với bác sĩ và không cho họ chuyển vào cấp cứu từ những câu nói phản đối và la hét của nó. Nó cứ luôn miệng kêu gào: "Không phải làm gì hết! Cho tao gặp người nhà của tao! Tao sắp chết rồi! Tao muốn nói chuyện với họ!". Tiếng la hét của nó nhỏ dần, chắc họ đẩy nó vào phòng trong rồi. Một lúc sau nữa thì không nghe nữa, chắc có lẽ các bác sĩ đã tiêm thuốc an thần cho nó ngủ.
Tôi lại tiếp tục đứng chờ, và cuối cùng thì thằng T cũng đến, tôi gọi điện cho thằng em của bạn tôi xem nó đang ở đâu. Chúng tôi đi hướng vào phía sau phòng cấp cứu. Trên đường đi đến đó, đầy rẫy những người thân bệnh nhân đang ngồi phờ phạc trông ngóng chờ y tá gọi vào, cùng với những người mệt mỏi nằm la liệt ngủ khắp nơi ở cái bệnh viện đang quá tải. Nhìn những cảnh như vậy thật không khỏi xót xa va thương tâm!
Vào đến cái sân sau phòng cấp cứu, tôi và thằng T thấy gia đình của L đang ngồi đấy. T bắt đầu hỏi tôi về tình hình của L. Được một lúc thì N bạn gái của L đến rồi đến ông H cũng đến. Cách đây không lâu ông H cũng có một ông chú bị tai nạn giao thông nên xem ra khá rành rọt về bệnh viện này. Tôi nghe nói như vừa rồi vẫn còn là ít, ban ngày thì bệnh nhân cấp cứu còn nhiều hơn nữa. Trong lúc đó thì thấy thằng bạn tôi được đưa ra ngoài để đem đi chụp CT.
Một lúc sau thì chờ lâu quá thằng T cũng về, tôi và ông H ngồi nói chuyện thỉnh thoảng lại ra ngoài cổng hút thuốc rồi lại đi vào. Lúc này cũng tầm khoảng hơn 11 giờ gì đó, tôi bắt đầu thấy buồn ngủ vì chỉ ngồi chờ mà chẳng có gì để làm. Cuối cùng thì tầm khoảng 12 giờ thì các y tá bác sĩ lại gọi loa kêu chúng tôi lên. Vì hạn chế người vào nhưng chỉ có tôi, ông H và N vào để hỗ trợ bác sĩ khâu vết thương. Bước vào phòng cấp cứu thì toàn các bệnh nhân nằm la liệt, với đủ các kiểu chấn thương và bệnh tật khủng khiếp cùng với những tiếng rên la. Tôi không muốn nhìn mà chỉ nhìn giường thằng bạn và đi thẳng vào.
Tôi đến giường thằng bạn thì thấy nó đang nằm im, chắc là đã được tiêm thuốc an thần nên đã ngủ. Cạnh giường đó là một em bé tầm khoảng 10 tuổi hơn trên mặt cũng đầy vết thương. Tôi và ông H đứng ở giường và chờ bác sĩ gọi để khâu. Đang đứng thì tôi nghe tiếng lẹt phẹt ở dưới đất, ngoái lại nhìn thì thấy sát dưới dân mình là một vũng máu. Nhìn sang giường bên cạnh cách thằng bạn tôi 1 giường có một bệnh nhân có vẻ bị thương rất nặng, có thể nói là nặng nhất trong phòng mà tôi thấy.
Lúc đầu tôi cũng không muốn nhìn bệnh nhân đấy, nhưng vì xót cái cảnh anh ta bị nặng thế mà vẫn chưa được y tá hay bác sĩ gì đả động đến. Giường thì ướt sũng đầy máu, nạn nhân thì khò khè rên rỉ, thỉnh thoảng lại ộc ra đầy máu như nôn mửa. Ông bạn tôi bảo chắc thằng đấy khó qua khỏi. Tôi nhìn người thân của anh ta đứng kế bên vừa 1 tay ôm đầu bệnh nhân khuyên nhủ, vừa nhìn dáo dát kiếm bác sĩ và y tá van xin cấp cứu gấp. Nhìn nét mặt van xin và bất lực, vừa lo lắng vừa sợ sệt của anh người thân đấy mà tôi cảm thấy quá thương tâm. Tôi ước gì tôi có thể giúp đỡ được anh ấy, nhưng biết làm sao đây, mình cũng bất lực như anh ấy! Các bác sĩ và y tá thì cứ đi qua đi lại âm thầm làm công việc của mình. Nhiều lúc làm tôi cảm thấy khó hiểu, có nhiều bệnh nhân nhìn có vẻ đang ổn và không đến nỗi nào mà người bị nặng nhất lại bị bỏ rơi. Tôi thầm nghĩ chắc có lẽ những người ra đi trước mắt họ diễn ra hàng ngày và trở nên quá bình thường đối với họ. Với lực lượng mỏng như vậy họ cũng đang bất lực mà phải làm quen với nó để giữ bình tĩnh?!
Một lúc sau thì có một bác sĩ bảo tôi kéo giường bạn tôi đến một góc để khâu. Chắc có lẽ vì kéo giường động nên thằng bạn tôi lại tỉnh và bắt đầu nói những câu mang tính bức xúc và mê man như một người đang ngủ mớ, tôi nghe rõ những câu nói của nó nhưng chẳng hiểu gì. Được một lúc thì thấy nó mở một mắt ra (mắt kia của nó không mở ra được) và bắt đầu la hét và chửi bới. Bác sĩ bảo tôi và anh bạn kềm nó lại nhưng nó quậy quá không kềm nổi. N chạy ra ngoài kêu thêm thằng em của L vào mới kềm được và khâu cho nó. Trong lúc khâu nó vẫn liên tục chửi bới những tiếng thô tục khiến tôi và ông bạn cũng phát ngượng với người xung quanh. Sau khi khâu xong nó vẫn tiếp tục vùng vằng và la hét, tôi và ông bạn cũng bất lực không biết làm gì, những lời nói và khuyên của ông bạn tôi với thằng em không mấy hiệu quả. Cuối cùng là có một bác sĩ đi ngang qua bảo chúng tôi cứ đi ra ngoài và để nó nằm đấy.