Đọc xong câu chuyện này, mới thấy rằng xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều con người rất đáng quý, cũng như câu chuyện ông lão nhặt rác trả lại 45 triệu mà tôi gửi trước đây. Họ tuy nghèo về tiền bạc nhưng lại giàu lòng tự trọng. Và tất yếu, sau những việc làm tốt của họ, họ cũng được nhận lại những phần thưởng xứng đáng. Phần thưởng đó không chỉ là bằng tiền bạc mà còn là sự cảm kích từ biết bao nhiêu người khác.
Dưới đây là câu chuyện của ngày hôm nay mà tôi đọc được.
Bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng.
Câu chuyện người bán vé số “đổi” 6,6 tỉ đồng (giá trị của 10 tờ vé trúng) lấy 200.000 đồng, rồi người trúng số tặng lại nguyên tờ vé trúng đến nay vẫn là đề tài bàn tán xôn xao của người dân thị trấn Bến Lức (H.Bến Lức, Long An) bởi cả 2 nhân vật chính đều khá nghèo: vợ chồng chị Lành vé số quê ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), không có cục đất chọi chim nên dắt díu nhau lên Bến Lức thuê nhà trọ rồi đi bán vé số mưu sinh; người trúng số cũng nghèo, có “thâm niên chạy ba gác 25 năm”.
[caption id="attachment_2356" align="alignnone" width="500" caption="Chị “Lành vé số” và anh Tuấn - Ảnh: Nguyệt Thanh"][/caption]
Tỉ phú bất ngờ
Chiều 15.11, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của bác tài lái xe ba gác Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) reo vang. Thấy màn hình hiện tên “Lành vé số”, anh Tuấn bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ chắc người bán vé số gọi đòi nợ 20 tờ vé số mà anh mua thiếu. Đầu dây bên kia là giọng nữ hơi run run: “Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”. “Thôi đừng có xạo. Đang kẹt tiền phải không? Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả”, dứt lời anh Tuấn tắt máy, tiếp tục vác cho hết đống sắt đang chất trên xe.
Khi nhận tiền công của khách hàng, anh Tuấn chạy xe tới quán Cây Mai để trả tiền cho Lành vé số (Phạm Thị Lành, 29 tuổi). Thấy ông chủ quán Cây Mai và nhiều người khác đang xôn xao, anh Tuấn còn tưởng cô bán vé số và mọi người đùa dai. Vừa ngồi xuống bàn, chị Lành tay run run mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số đài Bến Tre giao cho anh Tuấn: “Anh cầm đi, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 trúng hết rồi. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”. Dãy số 191207 trên tờ vé số trùng khít với con số ở giải đặc biệt trên cuốn sổ dò. Vẫn không tin vào mắt mình, anh Tuấn run run bấm điện thoại nhắn tin dò qua tổng đài. Tin nhắn kết quả sau đó vẫn là dãy số 191207. Rút ngay một tờ vé trúng kèm 200.000 đồng, anh Tuấn đưa cho Lành: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”...
Chúng tôi tìm tới nhà anh Tuấn, thấy cảnh thợ hồ đang xây dựng lại căn nhà mới trên nền cũ để gia đình đón tết, còn anh đang chạy xe ba gác giao hàng. Một lúc sau anh Tuấn về. Cười rất tươi, anh cho biết trong một giây biến thành tỉ phú, anh vẫn là một người lao động bình thường, vẫn phải chạy ba gác vì đó là nghề nghiệp. “Hồi nhận mấy tờ vé trúng, tôi còn nói với cổ rằng nếu cổ không muốn đưa thì tôi cũng không làm gì được. Tôi nghe mấy người rành luật nói giao dịch này chưa hoàn thành, cổ có giữ lại tôi cũng không làm gì được. Mà nói thiệt, cô Lành không nói vợ chồng tôi cũng không biết”, anh Tuấn kể.
Chữ tín của “Lành vé số”
Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30m2 của bà Phạm Thị Thèm (mẹ ruột chị Lành, 62 tuổi, ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đầy ắp tiếng cười. Ngoài tờ vé số được anh Tuấn “thưởng”, ngày hôm đó Lành cũng giữ cho mình một tờ và trúng đặc biệt. Sau khi đổi thưởng được gần 3 tỉ đồng (đã trừ thuế), hai vợ chồng Lành đem tiền về quê mua đất cất nhà cho người mẹ nghèo đang một nách nuôi 7 đứa cháu. Nhiều năm nay bà Thèm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (sinh năm 1974), Hồ Văn Nguyên (sinh năm 1978) và Út Lành sống cùng căn nhà này. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của Lành đều bất hạnh. Nhà nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà Thèm nuôi. Vợ anh Nguyên cũng chê anh nghèo bỏ đi, anh nửa điên nửa tỉnh đang điều trị ở Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), 3 đứa cháu cũng giao hết cho bà nội. “Em đang tính qua tết về quê đưa mẹ và 6 đứa cháu lên đây theo nghiệp vé số. Không ngờ trời thương, giờ em cất nhà cho mẹ, tiền thì gửi ngân hàng để mẹ lấy lãi nuôi bầy cháu. Em mừng vì bây giờ mấy đưa cháu côi cút sẽ được đi học”, Lành nói, gương mặt lấp lánh hạnh phúc.
“Nhiều người nói nếu chị không giao vé số cho anh Tuấn cũng không ai làm gì chị, bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?” - chúng tôi hỏi. Cười hồn hậu, “Lành vé số” trả lời không cần suy nghĩ: “Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”.
Bà Út Tèo - một đồng nghiệp bán vé số của chị Lành ở thị trấn Bến Lức - cho biết nhờ “uy tín” của “Lành vé số” mà thời gian qua những người bán vé số ở Bến Lức cũng “thơm lây”, lượng vé bán tăng hơn trước.
Nguyệt Thanh
Khi tôi gửi đường link đến bài viết về tin tức này trên Google+ của mình. Tôi đã nhận được một số comment từ những bạn bè cùng chia sẽ và ủng hộ hành động này của anh chị "Lành vé số".
Luan Lam - Tiền thưởng từ 6,6 tỷ vẫn sạch và thơm hơn cứ sống suốt đời trong cảm giác tội lỗi! Vote 5 sao :D
To Tung - Nhìn họ cười thật thanh thản :). Ở hiền gặp lành, ai có nhiều tiền chắc gì đã hạnh phúc?..trời không phụ lòng người, chúc anh chị sống hạnh phúc.
Anh Nguyễn - Phải nói rằng họ thật là giàu có để có thể cho đi được 6,6 tỉ đó. Họ xứng đáng được xem là tỉ phú với hành động của họ mà không cần phải có bạc tỉ trong tay. Đối với họ, hạnh phúc, tình yêu thương vợ chồng và danh dự, lòng tự trọng đã là quá đủ. Qua đó càng cho thấy, trong đó có lẽ có cả mình, đang là nô lệ của đồng tiền!
To Tung - Vâng. Đáng để suy ngẫm lắm!
Lại một lần nữa, lại có những con người nghèo khó nhận được số tiền trời cho nhưng họ lại không nhận vì lòng tự trọng và danh dự của mình. Cũng như câu chuyện về ông lão nhặt rác, với những hành động này không ai có thể nghĩ ra được chiều hướng tiêu cực nào đối với họ. Bởi vì, nét nhân văn trong con người họ đã được thể hiện một cách có thể nói là tuyệt đối.
Đọc câu chuyện này sông, tôi bỗng dưng giật mình và cảm thấy rằng mình đang là nô lệ của đồng tiền. Mặc dù tôi không phải là người tham lam và sống rất phóng khoáng về tiền bạc. Nhưng trong trường hợp này, một số tiền có thể tạo nên một bước ngoặc nào đó rất lớn, có lẽ tôi cũng sẽ có nhiều do dự.
Thế nhưng mà, nếu như tôi cũng làm một hành động giống họ, có lẽ tôi cũng sẽ cười rất tươi như thế. Một nụ cười hạnh phúc khi mình đã có một hành động mang đến cho người khác niềm vui. Còn hơn là bạn sẽ phải cắn rứt lương tâm mãi khi có những hành động sai trái của mình. Mặc dù chưa từng làm những việc lớn lao như thế, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ ai cũng từng trải qua những cảm xúc thật vui sướng sau khi mình đã làm được điều gì đó tốt đẹp.
Cũng như anh To Tung, tôi cũng chúc anh chị sẽ có nhiều thành công khác và hạnh phúc mãi mãi.