Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.
Cứ như thế, bài ca dao thằng Bờm ngộ nghĩnh, tửng tửng theo gió, luồn lách qua luỹ tre làng, qua mái tranh, gốc rạ lưu truyền không biết tự bao đời, cho đến tận bây giờ. Chẳng phải vì triết lý sâu xa dạy đời; cũng chẳng phải là áng văn chương trác tuyệt làm rung động lòng người; cũng lại càng chẳng phải huyền thoại, sử thi khiến người đời phải trân trọng gìn giữ. Nhưng lạ thay! Chuyện thằng Bờm vẫn cứ tồn tại, còn lâu hơn cả những bài thơ đắc ý của những thi nhân vào hạng “thường thường bậc trung”. Chuyện “Thằng Bờm” cho đến nay cũng chưa thấy ai sửa được chữ nào. Cũng may, nếu bị sửa chỉ cần một chữ thì đâu còn là “Thằng Bờm” nữa. Sự tồn tại của chuyện “Thằng Bờm” kể ra thì cũng “lọa”, chẳng thua gì một huyền thoại.
Nhưng chẳng ai có thể biết được bài ca dao ấy có từ bao giờ, gốc tích ra sao? Từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, hay thời Trần, thời Lý? Hẳn từ thời Bắc thuộc hay có khi từ thời Hùng Vương cũng nên? Ai là tác giả chuyện “Thằng Bờm”? Hổng biết luôn! Đến như chuyện Thạch Sanh, thần thoại từ đầu đến đuôi, thế mà cũng có người tìm ra được “dị vật” bảo chứng cho nguồn gốc của câu chuyện mới ghê chứ(?). Người ta bảo rằng thì là ở tận tít Hà Tiên, có cái động gọi là “Thạch Động” (liên quan chặt chẽ đấy nhé: Thạch với Thạch giống nhau); trong động còn có cái hang ăn thông xuống biển (cứ y “choang” như trong chuyện). Hình như còn có cả mảnh vỡ của nồi niêu, xong chảo bằng đất nung nằm lung tung trong ấy nữa (Hẳn là đồ dùng của Thạch Sanh khi đi làm quan quăng lại!?). Đã vậy, hiện nay ở vùng đồng bằng Nam bộ có rất nhiều người mang họ Thạch (Chắc đấy là con cháu do Thạch Sanh lấy công chúa đẻ ra?). Như vậy thì chuyện Thạch Sanh phải có thật đứt đuôi đi rồi!
Ối giời đất ơi! Chu choa, mèng đéc, mế bầu, bọ bủ ơi! Thế thì mau mau cố gắng đào bới chung quanh Thạch động xem, có khi còn cả cây đàn và niêu cơm thần vẫn chôn đâu đó. Cổ vật có giá trị thượng thặng đấy! Đào được thì “Nô – tế bồ” về giá cả. Cứ gọi là trúng quả đậm chứ chẳng phải chuyện chơi! Nhưng eo ơi! Nếu thế thì chuyện đại bàng, trăn tinh, thuỷ quái đều phải có thật cả đấy! Cửa giả phải đóng cẩn thận; buổi tối trẻ con phải đi ngủ sớm. Nếu không yêu tinh bắt ăn thịt đấy! Kinh quá!
Còn chuyện thằng Bờm thì lại chẳng có cái may mắn đó! Di vật khảo cổ thì chẳng thấy mồ mả thằng Bờm chôn ở đâu. Xét gia phả cũng chẳng thấy ai là con cháu thằng Bờm.Văn bản chữ Hán, chữ Nôm cũng chưa thấy ai viết chuyện “Thằng Bờm”. Có lẽ văn bản “cổ” nhất về “Thằng Bờm” được ghi bằng chữ Quốc ngữ?
Chà! Như vậy thì có thể “Thằng Bờm” xuất hiện vào thời Tây mới sang xâm lược nước ta cũng nên?
Ơ! Nhưng mà văn bản “thằng Bờm” thì lại không có dấu ấn của thời Tây trong đó? Bởi vì nếu vào thời Tây thì chắc hẳn thay vì con chim đồi mồi sẽ là con búp bê chớp mắt mở mắt chẳng hạn; hoặc giả câu cuối có thể viết là “ Phú ông đổibánh ga – tôi (*). Bờm cười” thì mới đúng là dấu ấn thời Tây chứ! Đằng này nó lại cứ tưng tửng, chỉ trừ thời đại đồ đá. còn thời nào cũng được. Như vậy là chuyện “Thằng Bờm” không may mắn như chuyện Thạch Sanh rồi. Bàn chuyện xuất xứ của thằng Bờm khó quá. Cứ y như đi tìm sơ yếu lý lịch của Chí Phèo ở làng Vũ Đại, cũng đến hoà cả làng thôi.
Thế thì đành phải quay ra bàn về nội dung của câu chuyện thằng Bờm vậy. Cũng nhiều người bàn rồi. Thằng Bờm lên phim lên kịch, thằng Bờm vào sách vở học sinh… Người Việt Nam ta ai mà chẳng biết thằng Bờm, cứ y như ai cũng biết ông trời vậy. Thậm chí, người viết có lần vô tình đã nhìn thấy một quán cà phê karaoke lấy tên “Thằng Bờm” hẳn hoi. Đủ hiểu thằng Bờm nổi tiếng cỡ nào! Nói thế chứ chưa ai biết được thằng Bờm mặt mũi ra sao, ăn mặc thế nào… Có người bảo rằng thằng Bờm ngớ ngẩn không biết giá trị vật chất cao sang, nên đã từ chối những gì phú ông cho nó. Cũng có người lại bảo rằng: thằng Bờm là tiêu biểu cho giới trí thức bình dân, vốn thật thà chất phác. Cho nên Bờm không tham lam (giới bình dân thì không tham lam? Hơ!), nên chỉ đổi cái quạt mo lấy đúng giá trị của nó là gói xôi … Hình như những nhận xét của người đời không làm thằng Bờm thoả mãn, nên nó vẫn cười cho đến tận bi “vờ”.
Nếu bảo Bờm ngớ ngẩn – theo tiêu chuẩn phương pháp luận: không biết giá trị của cải cao sang là ngớ ngẩn – thì không lẽ phú ông cũng là thằng ngu hay sao mà đem cả một gia tài đồ sộ để đổi lấy cái quạt mo? Cứ theo phương pháp luận này thì phú ông không thể là thằng ngu. Bởi vì phú ông ngu thì làm sao mà lắm tiền thế? Như vậy thì Bờm cũng không thể ngu. Lập luận kiểu này là không lô gích.
Nếu bảo Bờm không tham lam, cái quạt mo chỉ giá trị bằng gói xôi thì phú ông đổi làm gì? Để ngài quạt phạch phạch cho nó mát chăng?! Ở cái xứ sở mà người ta ăn trầu từ thời thượng cổ, mo cau thiếu gì! Giầu như phú ông chỉ cần bỏ ra một đồng kẽm cũng mua nổi ngót chục cái quạt mo chứ đừng nói một cái. Cứ gọi là đổi gói xôi cũng còn là mắc tiền. Lập luận này cũng không lô gích.
Ấy thế mà xét theo nội dung văn bản qua ngôn từ của bài ca dao, thì rõ ràng thằng Bờm đã đổi cái quạt mo đâu? Nếu Bờm đã đổi thì sao bài ca dao câu cuối không viết là: “Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm: Ừa!”. Cái oái ăm nó ở chỗ Bờm mới chỉ cười. Cười thì cũng còn nhiều kiểu. “Cười” khác, mà “ừ” khác. Đó là hai “phạm trù” khác nhau hẳn. Bởi vậy bảo Bờm cười tức là đã đồng ý đổi chỉ là lập luận vội vã, chưa thấu đáo. khiên cưỡng, chủ quan, duy ý chí, không khoa học, thiếu logic, chưa thể hiện rõ tính bức xúc, trăn trở, trằn trọc suy tư cho vấn đề ….”cười”. Tất nhiên đó là một sai lầm và cần phải xem xét lại. Chưa biết được đây là cái cười thoả mãn, bằng lòng; hay là cái cười của sự minh triết Lạc Việt trước những giá trị của nó mà người đời chưa hiểu hết, nên không thể đem so sánh nó với những giá trị vật chất của đời thường?
Ba bò chín trâu là những phương tiện sản xuất dồi dào, của cái thời mà các nhà xã hội học gọi là phương thức sản xuất nông nghiệp; một bè gỗ lim có thể xây được nhà cao cửa rộng vào loại thứ “xịn”; ao sâu cá mè thể hiện sự phú túc an nhàn trong cuộc sống; con chim đồi mồi là một vật trang trí nội thất của những nơi quyền quí cao sang. Nếu tất cả đều hiện hữu ngay trong xã hội hiện đại, thì số tài sản đó bán đi có thể gây dựng được một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ghê chưa! Thế mà chỉ để đổi cho thằng Bờm lấy một cái quạt mo? Vậy mà Bờm còn chưa chịu đổi, thế mới kinh chứ!
Nhưng trong văn hoá dân gian Việt Nam không phải chỉ có một mình thằng Bờm độc quyền có quạt đâu nhé! Chú Tễu trong múa rối nước cũng có cái quạt và cũng cuời toe toét. Ông Địa khi ngồi ở góc nhà – để nhận sự kính trọng và phù hộ cho thế nhân được giàu có – cũng cầm một cái quạt và cũng cười như Bờm vậy. Khi ông Địa chơi với đám múa Lân, múa Rồng, người ta thấy ông cười vui hơn và vẫn không bỏ cái quạt. Đặc biệt cái quạt của ông lúc này sinh động hơn nhiều. Ông chỉ cần cầm quạt ve vẩy, thì cả Lân lẫn Rồng đều như bị thôi miên mà chạy theo ông. Lân và Rồng là những biểu tượng cho sức mạnh huyền bí và là điềm lành cho cuộc sống con người. Như thế thì thằng Bờm cũng giống như ông Địa ở chỗ cũng có cái quạt vậy. Ông Địa thì chẳng ai dám to gan mà gạ đổi cái quạt của ông ấy! Ông ấy mà trù cho thì chỉ có mà nghèo mạt rệp! Có mà lạy ông ấy cũng còn chưa chắc ăn; ở đấy mà xôi mới chè! Thằng Bờm thì được, vì đã là “thằng” thì thân phận chắc chả hơn được ai. Thích thì cứ gọi nó lại mà đổi, cứ y như đầy tớ nhà giầu gọi ăn mày đổi nắm cơm để lấy mẩu quai bị, chữa mẹo cho bệnh quai bị của con chủ nhà vậy. Trong trường hợp này ông ăn mày đổi ngay. Có ông nào láu cá lắm thì cũng chỉ kỳ kèo chủ nhà cho thêm chút tiền mua lại cái bị khác thay cho cái bị đứt quai, để tiếp tục nghề ăn mày. Ấy thế mà với một gia tài vĩ đại mà phú ông đem đổi – đủ khiến cho ngay cả những thằng giầu cũng hoa cả mắt, lùng bùng cả lỗ tai – thì thằng Bờm lại chưa thèm đổi. Kể ra thì câu chuyện đến đây cũng thấy là “lọa”.
Nhưng chẳng hay cái quạt mo của thằng Bờm có giá trị hơn cái quạt của ông Địa trong đám múa Lân, múa Rồng hay không mà phú ông đổi nhiều đồ đến thế! Phú ông thì không thể là thằng ngu. Bởi vì đã ngu thì sao mà thành “phú” mà còn được gọi bằng “ông”. Hẳn cũng phải khôn lõi đời ra ấy chứ! Đã không ngu thì ngài phải biết giá trị những món đồ mà ngài đem ra đổi cái quạt mo. Chứng tỏ ngài phải biết giá trị cái quạt. Bằng chứng cho sự thông minh và nhận ra chân giá trị của cái quạt mo, chính là tài sản mà phú ông đem ra đổi. Thế thì Bờm làm sao mà ngu được, cho dù thế nhân có xin phép gọi là “thằng” đi nữa. Nếu ngu thì Bờm đã đổi ngay với một con bò đầu tiên, chứ đừng nói đến ba con. Vì chỉ cần một con bò cũng đủ to hơn cái quạt, với một thằng ngu nhất nếu không bị bệnh “Đao” cũng biết điều đó. Ở đây Bờm không đổi. Như vậy chứng tỏ Bờm cũng biết giá trị của cái quạt mo, nên cũng không đổi một cách dễ dàng. Vậy mà chỉ với một gói xôi thì Bờm cười. Cười chưa hẳn đã là bằng lòng. Như vậy thì vấn đề mấu chốt, giá trị cốt lõi, tính chất căn bản, nguyên nhân sâu xa, nội dung quan trọng của sự hấp dẫn và cũng là tình tiết bất ngờ tạo nên mâu thuẫn khó hiểu trong chuyện thằng Bờm, chính là ở gói xôi. Xôi chứ không phải là cơm nắm đâu nhé! Có văn bản ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen đàng hoàng hẳn hoi. Chỉ có điều là không nói rõ ra là xôi gì mà thôi. Nhưng có lẽ vì xét thấy không quan hệ, nên ông cha ta không nói chi tiết lắm! Xôi là được rồi, xôi gì thì tuỳ hỷ.
Như vậy vấn đề không kém phần “nghiêm trọng”, bức xúc cần phải bàn ngay chính là “gói xôi”. Xôi thì làm bằng gạo nếp, cơm thì làm bằng gạo tẻ, đây là một chân lý phổ biến. Tất nhiên về mặt hiện tượng, trong “thời xa vắng” cũng có những bà hàng xôi giầu tính sáng tạo, đã trộn gạo dẻo vào xôi để kiếm lời. Cho dù đấy là một hiện tượng đã tồn tại trên thực tế, thì về mặt lý thuyết mọi người vẫn tuân theo chân lý phổ biến mà công bố :”xôi làm bằng gạo nếp”, kể cả các bà hàng xôi nói trên. Xôi thì làm bằng gạo nếp, mà xôi nếp thì ăn chắc dạ hơn cơm tẻ. Nhưng theo ngôn ngữ dân gian Việt Nam thì “ăn chắc” còn có nghĩa là một sự bảo đảm. Tức là phải có một sự bảo đảm, phải ăn chắc thì thằng Bờm mới có thể đổi cái quạt mo. Như vậy, chắc chắn giá trị cái quạt mo của thằng Bờm phải lớn hơn nhiều cái gia tài đồ sộ biểu trưng của phú ông; vì nó đòi hỏi một sự bảo đảm nơi người sử dụng.
Như vậy, “gói xôi” là hình tượng của sự bảo đảm của phú ông khi được sở hữu cái quạt mo của Bờm. Ở đây, theo đúng nội dung văn bản thì cái sự chắc ăn và bảo đảm đó mới chỉ làm cho “Bờm cười”. Thế thì vấn đề tiếp theo là Bờm có đổi hay không sau cái cười đó?
Trong văn bản thì Bờm đã từ chối tất cả của cải vật chất cao sang. Không tin hả? Đây nè: “Bờm rằng: Bờm chẳng lấy…”. Đấy! Thấy chưa? Sự khẳng định rõ ràng và được lặp đi lặp lại nhiều lần hẳn hoi. Cái Bờm cần ở đây là một sự bảo đảm nơi người sử dụng. Đã có sự bảo đảm – qua hình tượng “gói xôi” của phú ông – có khi Bờm cho luôn cũng chẳng biết chừng? (“Síc”! Ở cái thì buổi kinh tế thị trường này, nói cho luôn cũng khó tin hỉ). Vì đã là vật vô giá thì lấy gì để đổi nhỉ?
Nhưng cái quạt mo của thằng Bờm là cái gì đã thì mới có thể biết được Bờm có đổi hay không chứ?
Thế thì phải đặt một vấn đề từ cội nguồn của nó là tại sao lại là “quạt mo” chứ không phải “quạt nan”, “quạt giấy” nhỉ? Nếu là “quạt nan” thì bài thơ chỉ cần đổi lại là:
Thằng Bờm có cái quạt nan.
Phú ông xin đổi cả đàn bò trâu?
Bờm rằng: Bờm chẳng …
Còn nếu là “quạt giấy” thì cũng chỉ cần đổi là:
Quạt giấy thằng Bờm có đây.
Phú ông khoái, đổi một bầy bò trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng…
Nghe cũng được đấy chứ ! Tuy có hơi không có chất cụ thể. Thế nhưng chính văn nó lại là cái quạt mo, thế mới rắc rối? Phải chăng cái “quạt mo” chính là biểu tượng cho nền văn minh “Trầu – Cau “ của con cháu vua Hùng?
Cứ như phương pháp luận logic lủng củng nêu trên thì cái quạt mo của Bờm không thể chỉ có nghĩa đơn giản là cái quạt làm bằng mo cau, rẻ tiền và tiện lợi, đầy rẫy ở xứ sở quen ăn trầu từ thời Hùng Vương đến bi giờ. Nó phải là một biểu tượng cho một giá trị tinh thần đủ để đối xứng và vượt trội những giá trị vật chất mà phú ông có thể có đem ra đổi kèm theo một sự bảo đảm.
Phải chăng cái quạt mo của thằng Bờm – ngoài ý nghĩa trên – chính là biểu tượng cho cái chìa khoá để mở kho tàng bí ẩn của nền Minh Triết Đông phương, còn tồn tại trong đời sống văn hoá dân gian của người Việt, nơi cội nguồn của nền văn hoá trầu cau này? Đó cũng là lý do để Bờm cần có sự bảo đảm chắc ăn. Chà! Nếu đúng như thế thì Bờm có đổi không hà? Thôi thì cứ cho rằng thì là chắc ăn thì Bờm sẽ đổi đi! Nhưng như thế nào gọi là chắc ăn chứ? Ăn xôi mà đã chắc à! Cho dù cũng nhiều thằng “chịu đấm ăn xôi”
Hỏi Bờm xem có đúng không? Bờm cười! Khó hiểu thật!
T/p HCM 2/2001.
Nguyễn Vũ Tuấn Anh