Trong không gian bao la của núi rừng, nhành lan thật là nhỏ bé như cô đơn. Dù cho thiên nhiên có lúc hiền hòa hoặc khi khắc nghiệt, nhưng cùng với muôn loài thảo mộc, phong lan vẫn sống hiên ngang. Mặc cho gió núi, mưa ngàn hay khi lửa trời thiêu đốt, nhành lan mong manh ấy vẫn sống hiên ngang trước những cơn thịnh nộ của đất trời. Sức sống mãnh liệt của lan đúng là “uy vũ bất năng khuất”.
Khi lan ra hoa – sự kết tinh vẻ đẹp đất trời trong loài thảo mộc – suốt một đời hoa, từ khi hàm tiếu đến lúc mãn khai, lan không hề làm bạn với cái bướm, con ong. Tình lan cao quý, không theo thói tục của muôn hoa. Tính lan thật là “Phú quí bất năng dâm”.
Phong lan, loài hoa thanh khiết ấy chỉ cần một lớp bụi đất mong manh nơi kẽ đá, hoặc một chút sương trời đọng trên thân cây mục cũng đủ mang lại sự sống cho lan. Một đời lan thanh đạm, nhưng vẫn làm trọn thiên chức của mình, tặng cho đời những cánh hoa tuyệt sắc. Tính của phong lan thật là “bần tiện bất năng di”.
Hương lan cao quí, nhưng trầm tịch khiêm cung, không ngào ngạt phô trương như loài hoa nhài, hoa bưởi. Dáng lan thanh mảnh dịu dàng, nhưng không yếu đuối như hoa thuỷ tiên – loài hoa của những tiểu thư khuê các, lá ngọc cành vàng. Hoa lan có một vẻ đẹp tự thân cao khiết; không như hoa hồng – tuy mệnh danh là công chúa của muôn hoa – vẫn phải mượn giọt sương đêm long lanh trong ánh bình minh để điểm tô cho vẻ đẹp, phô sắc với đời. Tính của lan cao khiết không bi lụy như loài phù dung sớm nở tối tàn. Hương sắc của lan bền bỉ với thời gian, không như hoa quỳnh – loài hoa tiên nữ với vẻ đẹp liêu trai, huyễn ảo – chợt đến rồi đi, để lại trong hồn những tao nhân , mặc khách yêu hoa một nỗi niềm tiếc nuối, bâng khuâng...
Không như một số loài hoa, phải chen chúc trong một bình hoa để nương tựa và vay mượn vẻ đẹp của nhau mà khoe hương sắc. Vẻ đẹp của lan là vẻ đẹp tự thân cao khiết, nhưng khiêm cung, trầm mặc, như người quân tử “tự hiểu mình và tự biết mình”.
Hoa phong lan, dù một mình khoe sắc giữa không gian với một khúc cây mục xấu xí vẫn không làm giảm vẻ đẹp của lan. Nhưng chính vẻ đẹp cao khiết, vương giả ấy lại như muốn làm cho cây gỗ mục tưởng chừng vô ích, trở nên đắc dụng với đời. Tình của lan thật như chứa đầy lòng nhân ái.
Đời lan đạm bạc, nhưng không phụ lòng người yêu hoa. Đó là nghĩa của lan.
Hương lan trầm tịch khiêm cung – dù cho lan một đời “Vương giả tri hoa”. Đó là lễ của lan.
Dáng lan muôn sắc, tính lan muôn hương. Đó là trí của lan.
Khi lan ra hoa, tính của lan bền bỉ với thới gian, như gắn bó với người yêu hoa. Đó là tín của lan.
Từ ngàn xưa, những bậc trí giả – dù khi đắc chí thấm nhuần ơn vua, lộc nước đem tài năng trí tuệ giúp ích cho đời; hay khi lui về ẩn dật nơi non xanh, nước biếc đều tìm đến với lan như tìm đến người bạn tri âm tri kỷ. Gần gũi lan, chăm sóc lan, ngắm lan suy ngẫm và soi rọi lại chính mình. Khi lan ra hoa, đó là lúc thiên nhiên cảm ứng với lòng người quân tử, như bạn tri âm tìm đến khách tri âm. Uống rượu thưởng lan, làm thơ vịnh lan, cõi tâm linh trong lòng người như dâng lên hoà nhập với tình hoa trong sự huyền vi của tạo hoá.
Nhưng rồi thời gian trôi đi
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
*
Ngày nay, lan càng được nhiều người ưa chuộng. Người ta biết đến lan vì lan là “vương giả chi hoa”. Trồng lan đã trở thành một công nghệ hái ra tiền. Người ta nghiên cứu lan rất kỹ. Lan còn có tên khoa học và được phân loại cùng các loài thảo mộc khác. Người ta lai ghép lan để tạo ra các giống lan lạ phục vụ cho nhu cầu thị trường và còn mạ vàng lên hoa lan để chứng tỏ sự quí giá của lan. Trong nhà càng nhiều loài lan quí lạ, mắc tiền càng chứng tỏ chủ nhà giầu có sành hoa, biết chơi hoa. Người ta nắm bắt qui luật sinh học của lan, chăm sóc lan rất bài bản. Lan không ra hoa; xịt thuốc kích thích lên lan thế là có ngay một giò lan quí thỏa mãn một thú chơi thanh nhã…
Trong vuờn cảnh vào dịp thu tàn. Gió lạnh chưa tràn về, nhưng hàn khí của tiết lập đông đã như đã quanh quất đâu đây. Cây cối trong vườn như đã thu mình khép lá trước buổi đông qua. Trong vườn chỉ còn một giò hoa lan sắp tàn, trơ trọi giữa màu xanh cây lá. Ôi! Phong lan. Còn đâu nữa một thời “Vương giả chi hoa”…
Nguyễn Vũ Tuấn Anh